TỔNG HỢP MỘT SỐ KINH NGHIỆM BÓN PHÂN CHO CÂY SẦU RIÊNG TỪ CÁC VÙNG MIỀN
Kỹ thuật bón phân cho sầu riêng
Nông dân thường không bón phân vào hố trồng sầu riêng khi mới trồng. Lúc này sầu riêng chỉ được chú ý che nắng để cây khỏi bị chết.
Bón phân cho sầu riêng cần chú ý bón nhiều lần trong một năm với lượng phân tăng dần từ khi cây còn nhỏ cho đến khi cây cho quả ổn định. Lượng phân bón bình quân cho sầu riêng như sau:
– Hàng năm bón cho mỗi cây 10-20kg phân hữu cơ.
– Phân vô cơ bón hàng năm cho mỗi cây như sau: 200-400g urê+800-1000g supelân+ 100g KCl hoặc K2SO4 tuỳ thuộc vào tính chất của đất. Có thể bón bổ sung thêm tro bếp.
Số phân trên đây được chia thành 4-5 lần để bón.
Có thể dùng phân NPK(15:15:15) để bón với lượng 300-500g cho một cây, chia làm nhiều lần để bón trong một năm.
Cách bón tốt nhất là khi chuẩn bị ra hoa nên bón ít phân N, tăng P và K. Lúc này có thể dùng phân NPK(9:24:24) để bón bằng cách rải đều dưới tán cây, sau đó phủ lớp đất mặt lên.
Khi cây ra qủa cần tăng lượng phân kali. Lúc này có thể sử dụng phân NPK(14:14:24). Bón cho mỗi cây 4-6kg chia ra 3 lần để bón trong một năm.
Ở những nơi có điều kiện có thể thực hiện cách bón như sau:
– Khi sầu riêng trồng được 6,7 năm cần bón cho cây: 1,5 kg urê+ 2kg supe lân+ 2kg KCl.
-Từ năm thứ 8 trở đi cần bón cho mỗi cây: 2-3 kg urê+ 2-3 kg supe lân+2-3 kg KCl+ tro.
– Cách bón: sau mỗi vụ thu hoạch bón: lân, tro, 1/2N và ½ K2O. Số còn lại chia ra bón đón hoa và nuôi quả.
– Số lượng phân cần cho 1 ha sầu riêng là : 110kg N+ 50kg P2O5+ 200kg K2O.
Khuyến nông Việt Nam
Kinh nghiệm bón phân cho sầu riêng trồng tại Đăklak
Phân bón thích hợp cho sầu riêng 4 năm đầu là phân chuồng mục ủ với lân Văn Điển. Khoảng 40kg phân chuồng cộng với 3kg lân cho một gốc. Đào xa mép tán lá khoảng 40 phân (cỡ 2 gang tay), rải phân đều, sau đó lấp đất và tưới đậm.
Cứ sau 30 – 40 ngày vào mùa mưa bón thêm 0,5 đến 1kg NPK 16–16–8 (loại chuyên dùng cho cây cà phê, ca cao) rải đều xung quanh tán lá. Hạn chế tối đa bón đạm, nhất là đạm sunphát dễ làm cơm sượng.
Sang năm thứ 5 khi cây đã sung sức, cành mập cứng đủ sức đeo trái thì bấm đọt (ngọn) để nuôi cành và tạo bộ tán lý tưởng.
Kinh nghiệm bón phân khi trồng sầu riêng chuyên canh ở Châu Thành (Bến Tre)
Anh Trần Ngọc Quang, thuộc ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) có kinh nghiệm bón phân cho sầu riêng:
Khi kết thúc vụ trái, dọn tỉa cành, tạo tán cho thông thoáng, rải phân NPK + với phân chuồng hoai và phủ một lớp đất phù sa khô (đã vựa sẵn trước) trải đều trên mặt liếp.
Đến cuối tháng 8 âm lịch, tiếp tục bón phân NPK + Super lân và tưới nước đôi ba lần cho rễ dễ hấp thụ. Khi cây ra hoa đơm trái, hàng tháng rải NPK và tưới xả.
NNVN, 22/8/2004
Kinh nghiệm bón phân khi trồng sầu riêng ở Mỏ Cày (Bến Tre)
Anh Út Lập, ấp Giồng Nâu xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày (Bến Tre) có kinh nghiệm:
Giai đoạn cây con và những năm đầu cho trái: Cần bón 5-10 kg phân hữu cơ cho mỗi cây kết hợp với phân vô cơ có lượng đạm cao theo công thức N:P:K:Mg là 18:11:5:3 hoặc 15:15:6:4 theo liều lượng và số lần bón như bảng sau:
Giai đoạn đầu cây đã cho trái ổn định: Bón làm 3 lần trong năm như sau:
Lần 1: Sau khi thu hoạch, tỉa cành bón 10-20 kg phân hữu cơ cho mỗi cây kết hợp với phân vô cơ có lượng đạm cao theo công thức N:P:K:Mg là 18:11:5:3 hoặc 15:15:6:4 với lượng 2-3 kg hỗn hợp/gốc, tưới nước nhằm tạo bộ lá màu mỡ, sạch sâu bệnh.
Lần 2: Trước ra hoa 30-40 ngày, thúc ra hoa bằng phân hỗn hợp với lượng phân cao theo công thức N:P:K:Mg là 10:50:17; 02-3 kg hỗn hợp/gốc.
Lần 3: Khi gốc to bằng trái chôm chôm, giúp trái phát triển nhanh và có chất lượng cao bằng phân hỗn hợp với lượng kali cao theo công thức N:P:K:Mg là 12:42:17: 2; 02-3 kg hỗn hợp/gốc.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng phân bón lá để góp phần nâng cao năng suất và phẩm chất trái. Nếu sử dụng phân bón lá nhiều đạm sẽ làm giảm phẩm chất trái như cơm bị sượng, bị nhão…
NTNN, 4/11/2003
Bón phân cho sầu riêng Monthoong
Anh Huỳnh Văn Phải ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang có kinh nghiệm:
Làm liếp đơn rộng 5m, mương rộng 1,5m, chính giữa liếp đắp mô có đường kính 1,2m, cao 0,6m, trồng theo kích cỡ cây cách cây 8m x 8m. Ở giữa mô khoét một lỗ rồi cho vào hố 10 kg hỗn hợp phân hữu cơ hoai gồm phân dơi, trộn tro trấu, xơ dừa + 1kg supe lân + 50g Furadan, đặt cây con vào
Trong năm đầu chỉ ngâm phân để tưới cây. Khi cây đã bén rễ ra đất, pha 1 muỗng canh phân NPK 20-20-15 trong thùng 10 lít nước tưới đều cho mỗi gốc, định kỳ hai tháng tưới một lần, kết hợp dùng thêm phân bón qua lá, thuốc trừ sâu, rầy bệnh nhằm giúp cây phát triển khỏe mạnh.
Đến lúc cây đã được hai năm tuổi thì bắt đầu dùng phân bón gốc, chia làm bốn lần bón trong năm, mỗi lần bón 250g NPK 20-20-15/cây vào các đợt đọt đã già lá.
Khi trái to bằng trái chôm chôm, bón cho mỗi gốc một bao phân gà, vì theo kinh nghiệm phân gà không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng nuôi trái mà còn góp phần đáng kể trong việc hạn chế nấm bệnh Phytophthora tấn công (bệnh nguy hiểm nhất trên cây sầu riêng).
Về phân hóa học, chỉ sử dụng phân NPK có sunfat kali (K2SO4), vì nếu dùng phân NPK có gốc clorua kali (KCl) bón sẽ làm cho trái giảm phẩm chất, sượng trái. Cụ thể ở giai đoạn này bón cho mỗi gốc khoảng 1kg NPK Con cò 15-15-15, riêng ở những cây mang nhiều trái thì tăng lượng phân lân. Bên cạnh đó, còn tận dụng nguồn phân cá tươi ngâm ủ tưới bổ sung thêm dinh dưỡng nuôi trái, độ khoảng 20 ngày chú tưới một lần.
NNVN 2/6/2004
Qua thực tế sản xuất tại một số địa phương, trên những vườn trồng sầu riêng Monthong có sử dụng nhiều phân hữu cơ, đặc biệt là phân dơi, phân ruốc, phân cá, hạn chế dùng phân hóa học thì màu sắc cơm vàng đậm hơn, thịt mịn hơn (xơ ít), ngọt hơn so với vườn chỉ bón thuần là phân hóa học, đặc biệt là không có trái bị sượng.