SÂU BỆNH HẠI NẤM RƠM VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ

SÂU BỆNH HẠI NẤM RƠM VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ

Để trồng nấm rơm đạt năng suất và hiệu quả cao thì phòng trừ sâu, bệnh hại trên nấm rơm là rất cần thiết. Vì vậy, chúng tôi giới thiệu đến bà con cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại trên nấm rơm như sau:
1. Bệnh hại sợi nấm rơm
1.1. Bệnh sinh lý và biện pháp phòng trừ
a. Bệnh chết sợi giống
Biểu hiện: Sau 3 – 5 ngày cấy giống vào mô nấm, kết quả:
+ Không có hiện tượng bung sợi giống nấm và mọc vào cơ chất.
+ Có hiện tượng sợi ăn vào cơ chất nhưng sau đó chết dần.
– Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân làm chết sợi giống như sau:
+ Cơ chất không thích hợp, nguồn rơm đã bị nhiễm các độc tố;
+ Độ ẩm mô nấm quá khô hoặc quá ướt;
+ Nhiệt độ trong mô nấm không thích hợp do nóng quá hoặc lạnh quá;
+ Giống yếu, già hoặc chết.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Chọn nguyên liệu không bị dính hóa chất, dầu mỡ.
+ Khi ủ đống cần có cọc thông khí và tiến hành đảo đống 1 – 2 lần.
+ Kiểm tra độ ẩm nguyên liệu trước khi đóng mô, cấy giống.
+ Tơi nguyên liệu, để nguội trước khi cấy giống vào.
+ Thường xuyên kiểm tra nhiệt và có biện pháp điều chỉnh kịp thời trong thời gian nuôi sợi.
+ Kiểm tra nguồn giống cẩn thận trước khi cấy.
b. Bệnh sợi nấm mọc yếu, nhanh chóng lão hóa
– Biểu hiện:
+ Tơ nấm mọc chậm, thưa.
+ Hệ sợi mảnh, mờ nhạt, không mọc sâu vào cơ chất.
– Nguyên nhân:
+ pH nguyên liệu không đạt yêu cầu: acid hoặc kiềm;
+ Độ ẩm nguyên liệu quá cao hoặc quá thấp;
+ Nguyên liệu bị nhiễm khuẩn;
+ Giống bị yếu do vận chuyển, bảo quản không cẩn thận làm giống bị giảm khả năng sinh trưởng.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Kiểm tra lại pH nguồn nước sử dụng, nước vôi khi xử lý nguyên liệu;
+ Kiểm tra độ ẩm nguyên liệu trước khi đóng mô, cấy giống;
+ Kiểm tra nguồn nguyên liệu;
+ Chú ý khi vận chuyển và bảo quản giống cẩn thận.
c. Bệnh sợi nấm bị co
– Biểu hiện: Ban đầu sợi nấm sinh trưởng, phát triển bình thường sau đó co lại, không phát triển và không bám vào cơ chất.
– Nguyên nhân:
+ Độ ẩm nguyên liệu ở mô nấm quá cao;
+ Nhiệt độ trong mô hoặc nhà trồng quá cao.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Tạo độ thoáng cho mô nấm;
+ Điều chỉnh nhiệt độ trong giai đoạn nuôi sợi thích hợp
1.2. Bệnh nhiễm vi sinh vật và biện pháp phòng trừ
a. Bệnh nhiễm do nấm mốc
+ Nấm mốc trắng
– Biểu hiện: Sợi nấm màu trắng mọc trên bề mặt mô nấm. Sợi nấm mốc gần giống như sợi nấm rơm.
– Nguyên nhân: Do độ ẩm trong giá thể quá cao hoặc do tủ lớp áo mô quá dày hơi nước từ mô nấm không thoát được.
– Biện pháp phòng trừ: Ngừng tưới, bỏ lớp áo mô, mở cửa để thông thoáng.
+ Nấm mốc đen, mốc xanh
– Biểu hiện: Trên bề mặt mô nấm xuất hiện những đám sợi mốc có màu đen hoặc màu xanh.
– Nguyên nhân:
+ Không khí của khu vực và phòng nuôi trồng bị ô nhiễm;
+ Nguyên liệu rơm đã bị nhiễm bào tử mốc;
+ Giống nấm rơm bị nhiễm mốc trước khi cấy.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Khử trùng khu vực nuôi trồng thật kỹ trước khi xử lý;
+ Kiểm tra nguyên liệu rơm trước khi xử lý;
+ Kiểm tra giống nấm thật kỹ trước khi cấy.
+ Nấm mốc liên bào
– Biểu hiện: Nấm mốc mọc trên bề mặt mô nấm và sinh bào tử có màu vàng cam.
– Nguyên nhân: môi trường không khí bị nhiễm mốc.
– Biện pháp phòng trừ: khử trùng khu vực thật kỹ trước khi đóng mô, cấy giống.
b. Bệnh nhiễm các loại nấm dại
+ Nấm mốc trứng cá
– Biểu hiện: Nấm mốc có hình thái giống sợi nấm rơm. Sợi nấm mốc phát triển bện kết với sợi nấm rơm tạo thành những hạt màu trắng đục hoặc nâu nhạt như trứng cá rất cứng, làm cho nấm rơm kết quả thể ít hoặc không có khả năng kết quả thể.
– Nguyên nhân: Nguyên liệu dùng trồng nấm rơm không khô hoặc ẩm mục hoặc rơm bị dính nước mưa trước khi đưa vào trồng nấm rơm.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Khi ủ rơm rạ đảm bảo nhiệt độ đống ủ phải đạt trên 75 – 800C
+ Không sử dụng nguyên liệu bị thấm nước mưa dài ngày để trồng nấm
+ Nếu khi đã nhiễm bệnh, dùng tay vuốt hết mốc trứng trên bề mặt mô nấm, phơi khô mặt mô nấm 1 nắng sau đó dùng nước vôi trong 0,5– 1% tưới lên vết bệnh.
+ Nấm mực
– Biểu hiện: Nấm mọc trên các mô nấm. Lúc nhỏ nấm có hình như đầu đũa, mũ màu xám, cuống màu trắng mọc sâu từ trong cơ chất ra ngoài sau 2 – 3 ngày nấm nở ô và mũ có màu đen nhũn.
– Nguyên nhân: Nguyên liệu rơm xử lý chưa đạt nhiệt độ hoặc độ ẩm quá cao.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Quá trình xử lý nguyên liệu phải đạt nhiệt độ và độ ẩm
+ Nếu độ ẩm cơ chất trước khi cấy giống quá cao cần phải phơi cho thoát bớt lượng nước.
+ Nếu thấy có nấm mọc ở bề mặt mô nấm dùng tay nhổ bỏ trước khi nấm nở ô, dừng tưới nước cho đến khi độ ẩm mô nấm đảm bảo yêu cầu.
c. Bệnh nhiễm do vi khuẩn
– Biểu hiện: Vi khuẩn nhiễm vào giá thể trồng nấm rơm làm cho giá thể bị chua, ướt, nếu để lâu sẽ có mùi thối rữa của chất hữu cơ. Chúng sinh ra các độc tố làm cho sợi nấm không hấp thụ được chất dinh dưỡng.
– Nguyên nhân: Xử lý nguyên liệu trồng nấm chưa đạt nhiệt độ.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Kiểm tra nhiệt độ trong đống ủ chính xác trong quá trình xử lý, nếu đống ủ chưa đạt nhiệt độ cần có biện pháp gia nhiệt và kéo dài thời gian ủ đống.
+ Vệ sinh sạch sẽ khu vực trồng nấm.
d. Bệnh nhiễm do vi rút
– Biểu hiện: Có khoảng 6 loại vi rút gây bệnh, chúng có biểu hiện tương đối
giống nhau là làm thoái hóa sợi nấm.
– Nguyên nhân: Do tuyến trùng bị bệnh hoặc các bào tử đã nhiễm vi rút lây
lan khắp mọi nơi.
– Biện pháp phòng trừ: Bệnh vi rút không có thuốc đặc trị, chỉ dùng biện
pháp phòng bệnh như đốt, khử trùng xử lý môi trường nuôi trồng nấm và khu
vực nấm bị bệnh.
1.3. Bệnh do động vật hại và cách phòng trừ
a. Nhóm động vật hại sợi nấm: Chuột, sên, ốc, mối, kiến
– Tác hại: Chúng thường ăn hạt giống nấm rơm hoặc cắn phá sợi nấm.
– Biện pháp phòng trừ: Dùng bẫy, bả chuột, rắc hóa chất xua đuổi mối, kiến, gián, sên, ốc.
b. Nhện
– Đặc điểm: Nhện có kích thước rất bé, có màu nâu thường ẩn nấp các góc khuất, trong cơ chất.
– Tác hại: Chúng thường cắn phá sợi nấm rơm.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Khử trùng môi trường nuôi trồng nấm bằng formol 0,5% hoặc xông hơi diêm sinh.
+ Xử lý cơ chất trồng nấm rơm đạt nhiệt độ trên 750C.
 c. Ấu trùng rệp, ruồi
– Đặc điểm: Ấu trùng có kích thước rất nhỏ khoảng vài mm, màu trắng, đầu có màu đen sáng
– Tác hại: Đục phá mô nấm, ăn tơ nấm, mang bào tử nấm mốc gây bệnh cho tơ nấm.
– Biện pháp phòng trừ: Khử trùng nhà xưởng bằng vôi bột hoặc hóa chất; dùng hương xua ruồi, muỗi.
2. Bệnh hại quả thể nấm rơm
2.1. Bệnh sinh lý ở quả thể nấm rơm
a. Bệnh sinh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ
– Nhiệt độ không thích hợp sẽ không hình thành quả thể nấm rơm, giai đoạn ra đinh ghim nếu gặp lạnh đột ngột hoặc khi nhiệt độ tăng lên 35 – 360C quả thể nấm rơm bị chết hàng loạt.
– Biện pháp khắc phục: Cần theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nấm rơm để có biện pháp điều chỉnh nhiệt độ thích hợp.
b. Bệnh sinh lý do ảnh hưởng của nồng độ CO2
– Nồng độ CO2 quá cao (> 0,06%) ảnh hưởng đến sự phát triển của quả thể nấm rơm: quả thể nấm không lớn, nhanh nứt bao, cuống nấm kéo dài.
– Nguyên nhân: Do khi quả thể hình thành, nấm cần oxy cao gấp nhiều lần giai đoạn nuôi sợi và quá trình hô hấp của sợi nấm sinh ra nhiều CO2.
– Biện pháp khắc phục: Tăng độ thông thoáng, dùng lưới che chắn hoặc quạt để thông khí hằng ngày.
c. Bệnh sinh lý do ảnh hưởng của độ ẩm
– Biểu hiện:
+ Độ ẩm không khí xuống thấp (< 60%): quả thể nấm không hình thành hoặc chết non, quả thể hình thành bị teo đầu.
+ Độ ẩm không khí quá cao (>95%): trong giai đoạn hình thành đinh ghim: quả thể sẽ biến mất; tai nấm đang phát triển mềm nhũn và thường bị nhiễm trùng làm nhầy nhớt.
– Biện pháp khắc phục:
+ Nếu thời tiết khô hanh cần tăng cường chế độ tưới nước để tăng cường độ ẩm cho mô nấm
+ Nếu thời tiết ẩm ướt độ ẩm không khí tăng cao cần giảm lượng nước tưới, tạo độ thoáng cho mô nấm.
2.2. Bệnh nhiễm vi sinh vật ở quả thể nấm rơm và biện pháp phòng trừ
– Biểu hiện: Quả thể bị nhũn trước khi hái hoặc quả thể bị dị dạng, teo đầu.
– Nguyên nhân: Do nhiễm nấm mốc, vi khuẩn, tuyến trùng …
– Biện pháp khắc phục: Các bệnh nhiễm do vi sinh vật rất khó dùng thuốc để trừ mầm bệnh, do vậy chúng ta chỉ áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp và kết hợp chăm sóc hợp lý:
+ Chọn nguồn giống tốt, khỏe;
+ Làm tốt vệ sinh môi trường: thường xuyên khử trùng nhà xưởng, lán trại và xung quanh khu vực nuôi trồng nấm; xử lý các mầm bệnh nhiễm đúng kỹ thuật.
2.3. Bệnh do động vật hại quả thể và cách phòng trừ
– Biểu hiện: Một số quả thể nấm rơm bị đục khoét hoặc quả thể bị thối, quả thể nấm không phát triển do bị mất chất dinh dưỡng.
– Nguyên nhân: Do các động vật hại nấm: nhện, rệp, mối, kiến, chuột …
– Biện pháp phòng trừ:
+ Dùng hương xua ruồi, muỗi nếu dùng thuốc phun chỉ được phun trên trần, tường hoặc không khí.
+ Khử trùng vệ sinh nhà xưởng định kỳ bằng vôi bột hoặc xông formol.

Theo khuyennongqnam.gov.vn