PHÒNG TRỪ NHÓM RỆP SÁP VÀ NHỆN ĐỎ GÂY HẠI TRÊN CÂY ĐU ĐỦ
Đu đủ là loại cây trồng mau cho trái, năng suất cao, dễ tiêu thụ và có hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, đu đủ thường được trồng xen trong nhiều vườn cây ăn trái ở giai đoạn kiến thiết cơ bản với chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Mặc dù dễ trồng, nhưng hiện nay trong mùa nắng nóng nhiều nhà vườn trồng đu đủ đang phải đối mặt với nhóm rệp sáp và nhện đỏ phát triển và gây hại trên đu đủ làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng trái.
Rệp sáp là loại sâu hại rất phổ biến trên đu đủ. Nhóm rệp sáp gây hại trên đu đủ có nhiều loài, có thể phân làm 2 nhóm: nhóm Rệp sáp dính như Rệp sáp vảy (Lepidosaphes sp.), Rệp sáp (Aonidiella sp.) và nhóm Rệp sáp bông như Rệp bông trắng, Rệp sáp Planococcus sp….
Rệp sáp dính gây hại trên trái đu đủ.
Rệp sáp vảy (Lepidosaphes gloverii ): Thành trùng dài 2,5-3,5 mm cơ thể ốm dài (hình que), phần lưng hơi nhô lên. Ấu trùng tuổi nhỏ có màu nâu vàng đến nâu. Bên ngoài cơ thể rệp bao phủ bởi lớp vẩy hình bầu dục hoặc tròn. Trứng rất nhỏ, màu vàng, nằm dưới bụng con cái.
Rệp non tuổi 1 màu vàng nâu, hình bầu dục, từ tuổi 2 trở đi không di động và bắt đầu tiết sáp che phủ cơ thể. Rệp sáp (Aonidiella sp.): Cơ thể có dạng hình hơi tròn, mỏng, màu xám. Chúng bám chặt vào vỏ trái, thân để hút nhựa cây.
Rệp bông trắng:
Thân rệp nhỏ như hạt tấm, màu hồng, xung quanh có tua sáp ngắn màu trắng như bông gòn phủ bên ngoài cơ thể (còn gọi là rệp phấn) nên ít tiếpxúc với thuốc. Rệp thường bám nhiều trên cuống trái, đôi khi có trên lá và thân đu đủ.
Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút nhựa của các phần non của cây đu đủ như đọt non, lá non, cuống trái, trái non và trên cả những trái đã già lớn. Rệp bám trên trái để lại những dấu chấm trắng, chích hút nhựa trái, làm trái nhỏ, biến dạng và giảm giá trị thương phẩm của trái.
Ngoài gây hại trực tiếp trong chất bài tiết của rệp còn giúp nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến quang hợp của cây, giảm năng suất và phẩm chất của trái. Rệp sáp gây hại nhiều trên các vườn trồng dày, bón nhiều phân đạm. Trong tự nhiên rệp sáp có nhiều thiên địch tấn công như: Bọ rùa, các loài ong ký sinh và nhiều loài ăn mồi khác. Rệp sáp sinh sản nhanh và phát triển với mật số rất cao, đôi khi bám dày đặc trắng xoá trên lá, thân, trái (nông dân thường nhầm tưởng là bệnh).
Rệp sáp gây hại trên thân và lá đu đủ.
Rệp sáp phát triển mạnh trong mùa nắng nóng. Rệp sáp là một loại côn trùng đa thực vì ngoài cây đu đủ chúng còn gây hại trên rất nhiều loại cây ăn trái khác như ổi, mãng cầu, cam, quýt, chanh, bưởi, … vi thế việc phòng trị chúng đôi khi cũng gặp khá nhiều khó khăn do nguồn thức ăn của chúng rất phong phú.
Do cơ thể của nhóm rệp sáp được phủ bởi sáp nên sử dụng thuốc hóa học để phòng trị khó khăn và việc sử dụng thuốc không đúng có thể ảnh hưởng đến thiên địch của rệp sáp trong tự nhiên. Để phòng trừ rệp sáp, nên áp dụng kết hợp nhiều biện pháp.
Biện pháp quản lý:
– Không nên trồng với mật độ quá dầy để vườn luôn được thông thoáng . – Vệ sinh vườn đu đủ thường xuyên
– Dọn sạch cỏ rác , lá cây mục tủ ở xung quanh để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến hôi.
– Tiêu hủy các bộ phận bị nhiễm rệp sáp nặng
– Dùng vòi máy bơm nước có áp suất mạnh tia xịt nước trực tiếp vào chỗ có nhiều rệp bu bám sẽ làm cho rệp bị rữa trôi bớt.
Nếu rệp xuất hiện với mật số cao, sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Có thể sử dụng dầu khoáng, MOVENTO 150OD, ANBOOM 40EC hoặc một số loại thuốc có tính lưu dẫn (nội hấp), thấm sâu (thuốc có hoạt chất: Imidacloprid, Chlopyrifos,…);…. Tuân thủ nồng độ sử dụng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc. Sau khi diệt trừ rệp sáp, phun thuốc trừ nấm bồ hống bằng các loại thuốc gốc Đồng.
Ngoài rệp sáp, trong điều kiện thời tiết nắng nóng thuận lợi cho nhện đỏ phát sinh và gây hại. Nhện đỏ rất nhỏ như đầu kim, hình bầu dục ( dài khoảng 0,3 – 0,4mm). Nhện trưởng thành đẻ trứng rời rạc, dính vào mặt phiến lá, một con cái có thể đẻ vài trăm trứng. Khi mới nở nhện có màu vàng nhạt, khi lớn chúng chuyển dần sang màu hồng và đỏ đậm.
Nếu quan sát dưới kính lúp sẽ thấy giống như con mạt gà, màu đỏ hồng. Nhện trưởng thành và nhện non đều tập trung mặt dưới lá, gây hại bằng cách chích hút dịch của lá từ khi lá non, làm lá có những chấm trắng, vàng lốm đốm, lá non bị xoăn lại. Khi bị hại nặng , cả phiến lá có thể bị vàng và khô, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của đu đủ.
Triệu chứng nhện đỏ gây hại trên lá.
Nhện sinh sản rất nhiều, chúng tích luỹ mật số khá nhanh. Nhện phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và khô. Khi cần thiết có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Danitol 10EC; Cascade 5EC; Nissorun 5EC; …Nên sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và luân phiên các loại thuốc để tránh nhện đỏ kháng thuốc.
Chú ý: Ở giai đoạn trái già nếu có phun thuốc phải tuyệt đối bảo đảm thời gian cách ly để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.