TỔNG HỢP KIẾN THỨC VỀ PHÂN HỮU CƠ

TỔNG HỢP KIẾN THỨC VỀ PHÂN HỮU CƠ

Chất hữu cơ trong đất được coi là một tiêu chí để đánh giá độ phì nhiêu của đất. Cho nên đất nào có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn thì đất đó sẽ được đánh giá tốt hơn.

Ví dụ, 2 loại đất có nguồn gốc phát sinh gần giống nhau nhưng kết quả phân tích cho thấy 1 loại đất có hàm lượng chất hữu cơ là 1,05% và 1 loại đất có hàm lượng chất hữu cơ là 5,3%, thì chưa cần xem các tiêu chí nông hóa hay vật lý khác, có thể nghĩ ngay là loại đất có hàm lượng chất hữu cơ 5,3% sẽ có độ phì nhiêu tốt hơn.

Tại sao lại nói như vậy? Vì đất có hàm lượng chất hữu cơ cao trước hết sẽ có tính chất vật lý tốt hơn, đất được trở nên tơi, xốp, hạt đất không bị rời rạc hay quá kết chặt.

Nếu là loại đất trồng màu, thì đất chứa nhiều không khí, vi sinh vật hoạt động mạnh, các loại giun đất cũng hoạt động mạnh làm đất càng thêm tơi xốp hơn.

Đất có khả năng giữ ẩm tốt hơn nên tránh được hạn tốt hơn. Chất hữu cơ lại có khả năng đệm tốt nên giữ cho độ pH của đất ít thay đổi, có khả năng giữ các chất khoáng do ta bón vào tốt hơn để rồi cung cấp dần dần lại cho rễ cây tốt hơn.

Chính vì vậy các nhà khoa học khuyên cần phải bón phân hữu cơ cho đất hay ít ra là bón trả lại một phần chất hữu cơ do cây đã lấy đi mỗi vụ.

Trong sản xuất, có nhiều loại phân hữu cơ, tạm thời phân ra các nhóm sau:

Nhóm phân hữu cơ truyền thống, bao gồm các loại phân gia súc, gia cầm như chất thải của trâu, bò, lợn, gà, vịt, dê, cừu. Các loại chất thải này nếu sử dụng nguyên chất thì có hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Ví dụ, trong phân bò tươi có chứa chất đạm khoảng 0,341%, phân trâu có chứa 0,306% còn trong phân lợn có 0,669% chất N.

Nhưng trong phân chuồng, do cần có lượng phân nhiều nên thường cho thêm chất độn như rơm, rác, lá cây, cỏ… Hàm lượng dinh dưỡng trong phân chuồng có nhiều hay ít tùy theo lượng chất độn được cho thêm vào, nhưng chắc chắn là ít hơn phân nguyên chất rất nhiều.

Ngoài các chủng loại phân nói trên ta còn có phân bùn ao, phân bùn của nhà máy đường, phân xanh, phân rác các loại khác.

Nhóm phân hữu cơ chế biến công nghiệp, bao gồm:

Phân hữu cơ: Có hàm lượng hữu cơ khoảng 20%, chứa chất đạm từ 2% trở lên, tỷ lệ C/N khoảng 12 (chất hữu cơ so với chất đạm).

Phân hữu cơ khoáng: Có hàm lượng hữu cơ phải chiếm từ 15% trở lên và tổng số N+P+K phải được 8% trở lên (8 – 18%).

Phân hữu cơ sinh học: Hàm lượng các axit Humic, Fulvic hay Humin hoặc tổng các axit amin, vitamin hay hợp chất sinh học khác phải đạt từ 5% trở lên.

Phân hữu cơ vi sinh: Chất hữu cơ trên 15%, có ít nhất 1 vi sinh vật hữu ích có mật số bào từ ít nhất là 1,5 x 106/gr hoặc ml.

Phân bón khoáng hữu cơ: Có chất hữu cơ chiếm từ 5 – 15%, chất khoáng khoảng 18% trở lên.

Phân vi sinh vật: Trong phân chứa ít nhất 1 chủng vi sinh hữu ích, có số bào tử sống tối thiểu 1,5 x 108.

Bón phân hữu cơ các loại cho cây trồng nói chung là rất tốt. Nhưng muốn biết phân hữu cơ có đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây trồng không trước hết ta cần biết rằng, cây nào cũng cần có ít nhất là 16 chất dinh dưỡng thiết yếu, đó là N,P,K Ca, Mg, S, Si và các chất vi lượng.

Các chất này đều có mặt trong các loại phân hữu cơ. Nhưng hàm lượng rất khác nhau.

Trong lúc đó, để có 3 tấn tiêu đen khô, cây lấy đi từ đất và từ các loại phân bón vào khoảng 400 kg N, 220 kg P và 350 kg K. Như vậy ta cần phải biết các loại phân đó có chứa bao nhiêu chất khoáng và hàm lượng bao nhiêu mới tính đủ, tính đúng cho cây.

Vì vậy nếu chỉ bón cho cây bằng phân hữu cơ các loại thì ta cần cung cấp đủ số lượng để có đủ các chất khoáng thiết yếu thì sẽ vẫn có năng suất cao. Và càng bón phân hữu cơ lâu dài thì làm cho tính chất của đất sẽ tốt hơn, chứ không phải nghèo đi.