PHÂN LOẠI CÁC LOẠI VÔI VÀ CÔNG DỤNG CỦA VÔI ĐỐI VỚI CÂY PHONG LAN

PHÂN LOẠI CÁC LOẠI VÔI VÀ CÔNG DỤNG CỦA VÔI ĐỐI VỚI CÂY PHONG LAN

Vôi bột hay nước vôi được sử dụng nhiều trong nông nghiệp, đặc biệt với cây trồng. Vôi có tác dụng khử chua, khử mặn cho đất; vôi ngăn cản sự phát triển của nấm bệnh gây hại cho cây trồng và giống vật nuôi… 

Trước khi đi vào tác dụng của vôi đối với cây lan, chúng tôi muốn nêu ra các dạng của vôi và tác dụng của từng dạng để các bạn hiểu hơn và sử dụng hiệu quả.

– Bột đá vôi (CaCO3): được tạo ra bằng phương pháp nghiền thật mịn đá vôi. Bột này có công dụng rất chậm, phải mất thời gian từ  2 đến 6 tháng sau khi bón và phụ thuộc vào độ mịn của bột đá.
– Vôi nung (CaO): để tạo ra vôi nung, người ta thường lấy đá vôi nung trong lò ở nhiệt độ khoảng 900 đến 1.000 độ.  Vôi củ này có tác dụng cực mạnh và nhanh chóng, tuy nhiên rất dễ bị bỏng khi gặp nước.
– Vôi tôi (Ca(OH)2): Khi kết hợp vôi nung với lượng nước gần bằng trọng lượng của nó, bạn sẽ thấy hiện tượng vôi bị tỏa ra thành bột, sinh ra một lượng nhiệt (khoảng 150°C ) và bị bay hơi. Dạng vôi này có công dụng khá nhanh
– Vôi thạch cao (CaSO4): Khác hẳn với các dạng vôi nêu trên, vôi thạch cao có chứa thêm chất lưu huỳnh, có tác dụng rất nhanh.
 

Vôi bột

Sau khi đã hiểu được các dạng của vôi và tác dụng của từng dạng như thế nào. Đối với lan rừng, tốt hơn hết các bạn nên sử dụng nước vôi tôi để tưới cho lan. Không để các bạn chờ lâu thêm nữa, sau đây sẽ là 5 tác dụng không ngờ đến của nước vôi đối với phong lan.

1. Đối với cây trồng nói chung và cây phong lan nói riêng, vôi cung cấp một lượng dưỡng chất canxi rất tốt. Lượng dưỡng chất trung bình này cần thiết để giúp các tế bào cây thêm vững chắc. Nếu thiếu canxi, thân lan sẽ yếu ớt, rất dễ bị mắc sâu bệnh, nặng hơn sẽ dẫn đến đọt lá biến dạng, quăn queo rồi rụng. Ngoài ra, canxi còn giúp cây giải độc, tăng khả năng chống chọi với thời tiết bất lợi như nắng nóng, lạnh giá.
 
Mách bạn: nên sử dụng nước vôi trong (nhờ nhờ đục) đã gặn sạch cặn bã để tưới cho lan. Trung bình 2 tháng tưới 1 lần vào đầu mùa mưa, tưới vào buối sáng, chiều muộn hoặc đêm, tránh lúc trời đang nắng to, đang mưa hoặc sắp mưa.

Phun xong giữ được trọn 1 ngày ko mưa, hoặc không tưới nước là tốt nhất, để cung cấp Canxi cho cây cứng cáp. Có thể áp dụng cho tất cả các loại phong lan, đặc biệt tốt cho lan vừa mới trồng/ghép. Lưu ý, lan rất cần canxi trong suốt thời gian sinh trưởng, và được hấp thụ qua quá trình hút nước, đồng thời không chuyển vị trong cây.
 

Nước vôi bột trong

2. Tưới nước vôi lên chất trồng, hay giá thể giúp ngăn chặn tiến trình suy thoái chất dinh dưỡng, giảm bớt lượng sắt, nhôm, và mangan cho cây. Nên tưới vào đầu mùa mưa là tốt nhất.

3. Đối với một số chất trồng: như than củi hay bị mặn, hậu quả làm hạn chế việc hút nước và chất dinh dưỡng ở lan. Tốt nhất bạn nên tưới nước vôi rửa mặn định kỳ 3 tháng 1 lần cho chất trồng.

4. Khi chất trồng hay giá thể bị chu, suy thoái sẽ là điều kiện tốt cho nấm bệnh tấn công và phát triển, khiến cho lan bị vàng lá, thối rễ, thân chảy mủ… Một trong những biện pháp để ngăn chặn sự phát triển của nấm bệnh gây hại là sử dụng nước vôi để tưới. Bón vôi sẽ giúp cho những nấm bệnh bất lợi “không mời mà đến” này bị tiêu diệt, đồng thời vôi còn giúp cho những vi khuẩn có lợi phát triển như vi khuẩn cố định đạm.

5. Vôi thúc đẩy chất hữu cơ, phân vô cơ và thuốc trị bệnh phát huy tốt hiệu quả. Bón vôi giúp chất hữu cơ phân hủy nhanh hơn, làm giảm ngộ độc hữu cơ; Vôi giúp giữ chất mùn (từ sự phân hủy chất hữu cơ) không bị rửa trôi nên đã phát huy vai trò của chất hữu cơ khi được cung cấp cho cây.

Khi bạn bón lân cho cây thì chỉ hấp thụ được khoảng 30%. Nếu bón vôi trước khi bón lân sẽ làm gia tăng sự hấp thụ phân đối với lan. Ngoài ra, vôi còn giúp phát huy tác dụng dưỡng chất Môlipđen (Mo) và gia tăng sự hấp thu Kali (K) của cây.
 

Hướng dẫn cách tạo nước vôi trong: Bạn dùng 1 thì cà phê vôi bột hoặc vôi tôi hòa với 1 lít nước sạch, khuấy đều lên. Đợi khoảng 1- 2 giờ nước trong thì gặn lấy nước, bỏ các tạp chất, sau đó phun cho lan. Điều này sẽ giúp làn phát triển khỏe mạnh, cây hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, thân, lá cứng cáp, ít có khả năng bị nhiễm bệnh đặc biệt với nấm bệnh, sâu đục thân ở các loại lan thân thòng như Phi Điệp Tím, Hạc Vỹ…..

Đến đây các bạn đã biết về 5 tác dụng của vôi đối với cây phong lan, và giúp môi trường giá thể/chất trồng không bị hao mòn chất dinh dưỡng hay biến đổi chất. Vôi ở nước ta rất sẵn có, vậy tại sao bạn không sử dụng vôi trong quá trình chăm sóc lan, để cây được phát triển tốt hơn, ngăn chặn được một số nấm bệnh gây hại?

Trong bài viết nếu có thiếu sót, chúng tôi rất vui mừng khi nhận được những góp ý từ các quý đọc giả để bài viết thêm chất lượng hơn. Chúc các bạn thành công.
  

Nếu bạn thấy bài viết này ý nghĩa, hãy nhấn nút chia sẻ và like ở cuối mỗi bài viết. Hành động này giúp chúng tôi có thêm động lực chia sẻ thêm các kiến thức hữu ích hơn.