NHẬN BIẾT BỌ TRĨ HẠI DƯA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

NHẬN BIẾT BỌ TRĨ HẠI DƯA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Giới thiệu:

Bọ trĩ dưa hấu có tên gọi thông thường: bọ trĩ hay bù lạch dưa hấu (tên tiếng Anh là melon thrips) và tên khoa học: Thrips palmi Karny (Insecta: Thysanoptera: Thripidae).

Ở ĐBSCL, sau vụ lúa Đông Xuân bà con nông dân được khuyến cáo nên trồng luân canh cây màu hạn chế bất lợi do độc canh lúa. Trong đó, cây dưa hấu mang lại lợi nhuận khá cao cho người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nó làm đa dạng thêm trong cơ cấu mùa vụ như một vụ lúa một vụ màu (vùng sử dụng nước trời), hai vụ lúa một vụ màu (vùng nước ngọt thường xuyên). Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất người dân gặp không ít khó khăn về sâu bệnh gây hại trên cây dưa hấu. Trong đó, bọ trĩ là đối tượng gây hại quan trọng làm điêu đứng một số vùng trồng dưa. Bọ trĩ cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm cho cây dưa. Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, có sức đề kháng thuốc cao và mau quen thuốc. Gặp điều kiện thích hợp, bọ trĩ phát triển rất nhanh, dễ gây thành dịch, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất dưa hấu. Tuy gọi là bọ trĩ dưa hấu, Thrips palmi Karny, nhưng nó gây hại chính không chỉ trên dưa hấu, mà còn các loại rau và một số cây trồng quan trọng khác. Hiện nay, sắp vào thời vụ trồng dưa hấu, việc tìm hiểu về đối tượng này cũng rất cần thiết cho những người quan tâm.

Sự phân bố và vòng đời:

Theo các tài liệu khoa học, trong những năm gần đây, bọ trĩ dưa hấu lan truyền từ Đông Nam châu Á đến khắp những vùng khác của châu Á và đến nhiều quần đảo Thái Bình Dương và khắp thế giới. Vòng đời bọ trĩ dưa như sau:

Trứng: Trứng được đẻ dưới mô lá trong một đường rãnh được tạo ra bởi bọ trĩ cái. Trứng không có màu rõ rệt, cho đến màu trắng nhạt và có hình như hạt đậu. Thời gian trứng nở nhanh khi nhiệt độ cao: khoảng 16 ngày ở nhiệt độ 150C; 7,5 ngày ở nhiệt độ 260C và 4,3 ngày ở nhiệt độ 320C

Ấu trùng: Ấu trung có hình tương tự thành trùng về hình dạng chỉ khác nhau là nhỏ hơn và không cánh. Trong thời kỳ ấu trùng, có 2 thời kỳ ấu trùng tuổi 1, và tuổi 2. Ấu trùng ăn thành đàn dọc theo gân chính và các gân phụ của lá và thường trên các lá già. Thời gian phát triển của ấu trùng quyết định một cách cơ bản bởi nhiệt độ thích hợp, nhưng chất lượng cây ký chủ cũng có ảnh hưởng. Ấu trùng đòi hỏi khoảng 14 ngày (ở nhiệt độ 150C), 5 ngày (ở nhiệt độ 260C) và 4 ngày (ở nhiệt độ 320C) để hoàn thành sự phát triển của chúng. Khi hoàn thành các độ tuổi của ấu trùng, chúng thường chui xuống đất hoặc xuống lớp lá sát đất, ở đó chúng tạo thành một hốc nhỏ làm nơi hóa nhộng.

Nhộng: Nhộng cũng có 2 tiểu thời kỳ. Tiền hóa nhộng gần như không hoạt động (rất ít hoạt động) và thời kỳ nhộng là bất động. Cả hai thời kỳ nhộng đều không ăn. Đặc điểm cần biết là các hình thái của bọ trĩ giai đoạn tiền hóa nhộng, nhộng đều giống với thành trùng và ấu trùng ngoại trừ bộ cánh của thành trùng và nhộng. Bộ cánh của nhộng dài hơn của “tiền nhộng”. Thời gian phát triển kết hợp của cả tiền nhộng và nhộng khoảng 12 ngày, 4 ngày và 3 ngày ở nhiệt độ tương ứng là 15, 16 và 320C.

Thành trùng: Thành trùng có màu vàng nhạt hoặc hơi trắng nhưng có nhiều lông cứng màu đen trên cơ thể. Có một lằn đen chạy dài từ chỗ nối của cánh đến lưng trên cơ thể bọ trĩ. Cánh màng mỏng và có màu xanh nhạt. Có những lông (hay tua) mọc trên rìa trước của cánh ngắn hơn những lông mọc trên rìa sau của cánh. Chiều dài thân khoảng 0,8 đến 1,0mm, con cái có chiều dài thân hơi dài hơn con đực. Không giống giai đoạn ấu trùng, thành trùng có khuynh hướng ăn phần non của cây nên thường phát hiện chúng trên các lá non. Tuổi thọ giai đoạn thành trùng khoảng 10 đến 30 ngày cho con cái và 7 đến 20 ngày cho con đực. Thời gian phát triển biến đổi tùy theo nhiệt độ, giá trị trung bình khoảng 20, 17 và 12 ngày ở nhiệt độ tương ứng là 15, 26 và 320C. Con cái có khả năng đẻ đến 200 trứng, nhưng trung bình khoảng 50 cho mỗi con cái. Cả con cái giao phối hoặc không giao phối đều đẻ trứng.

Điều quan trọng là cần phải quan sát kỹ để phân biệt bọ trĩ dưa hấu với các loài thông thường. Có nhiều loài bọ trĩ, chẳng hạn để phân biệt bọ trĩ dưa hấu với bọ trĩ cây hành (onion thrips), có tên khoa học Thrips tabaci Lindeman, chúng ta cần thiết phải khảo sát mắt đơn của chúng. Bọ trĩ dưa có 3 mắt đơn trên đỉnh đầu tạo thành một hình tam giác. Một cặp lông cứng mọc gần vị trí tam giác này. Ở bọ trĩ hành, lông cứng không bắt nguồn từ trong tam giác này. Mắt đơn có màu đỏ ở bọ trĩ dưa hấu, trong khi mắt đơn có màu hơi xám ở con bọ trĩ hành. Nói chung, màu căn bản của cơ thể của thành trùng bọ trĩ dưa hấu có màu vàng, nhưng ở bọ trĩ hành có màu từ xám hơi vàng cho đến nâu.

Những cây ký chủ:

Bọ trĩ dưa hấu là loài ăn tạp, gây hại nhiều nhất trên họ bầu bí và họ cà nhưng cũng có báo cáo trên cà chua ở vùng Caribe. Nhưng trên cà chua không có báo cáo ở Mỹ và Nhật. Bọ trĩ dưa hấu thích ăn hại trên cây họ bầu bí (dưa hấu, bí, dưa leo…) hơn trên cây cà, và sau đó là cây tiêu.

Các loại cây chủ yếu thường bị gây hại gồm các loại đậu, cải bắp, dưa hấu, ớt, đậu đũa, dưa leo, cà tím, rau diếp, hành, mướp tây, đậu hà lan, tiêu, khoai tây, bí, các loại dưa. Những cây trồng khác gồm lê tàu, hoa cẩm chướng, hoa cúc, cam quýt, bông vải, dâm bụt, xoài, đào, mận, đậu nành, thuốc lá và nhiều loài khác.

Triệu chứng gây hại:

Bọ trĩ dưa hấu gây tổn thương nghiêm trọng cho bị hại. Lá trở nên vàng, trắng hoặc nâu rồi trở nên nhăn nheo và chết. Những ruộng bị hại nặng thỉnh thoảng thấy có màu đồng khắp ruộng rồi lá cuộn và chết. Triệu chứng gây hại giai đoạn cuối có thể làm cây dưa hấu (hoặc cây bị hại khác) biến màu, lùn và biến dạng. Ở ĐBSCL do hiện tượng này mà nông dân gọi là dưa bị hiện tượng “đầu lân”.

Ngoài gây hại trực tiếp, bọ trĩ dưa hấu còn có khả năng gián tiếp truyền virus bệnh khảm dưa hấu, truyền một số nòi virus bệnh héo rũ có đốm trên cà chua và virus gây chết hoại chồi non.

Áp dụng phòng trừ IPM bọ trĩ dưa hấu

Biện pháp canh tác: Biện pháp canh tác rất thiết thực ảnh hưởng mật độ của bọ trĩ dưa hấu, nhưng một vài biện pháp quan trọng được chú ý như hàng rào cơ học làm màng mịn và vật liệu che chắn (nilon) theo hàng dùng để ngăn cản bọ trĩ đi vào cây trồng và hạn chế mật độ bọ trĩ trên cây.

Thành trùng cũng có thể diệt bằng bẫy dính và chậu nước. Màu xanh và trắng thường hấp dẫn bọ trĩ và được dùng để bẫy bọ trĩ dưa hấu. Màu vàng cũng được khuyến cáo là màu hấp dẫn đối với côn trùng này.

Lớp phủ nilon được cho là hạn chế một số bọ trĩ nhưng chưa chắc vì có thể là nơi hóa nhộng của bọ trĩ. Mưa lớn làm giảm mật số bọ trĩ, song chưa có bằng chứng tưới nước trên đầu lá làm giảm sự sống sót của chúng.

Giống kháng: Chưa được nghiên cứu kỹ giống kháng mà khuyến cáo nông dân không nên chỉ dựa vào việc chọn giống kháng để tránh gây hại của bọ trĩ mà phòng trừ tổng hợp IPM.

Phòng trừ sinh học: Loài mọt Neoseiulus cucumeris đã được điều tra cho việc hạn chế loài bọ trĩ. Mật số của loài mọt này liên quan đến mật số của bọ trĩ dưa hấu.

Các loài thiên địch, đặc biệt là loài ăn thịt, rất quan trọng đối với bọ trĩ dưa hấu. Trong thực tế, sự gây hại của bọ trĩ gia tăng do sử dụng một số thuốc trừ sâu làm giảm mật số thiên địch. Những loài ăn thịt là thiên địch quan trọng của bọ trĩ dưa hấu được báo cáo ở nhiều nước như loài bọ trĩ ăn thịt Franklinothrips vespiformis phân bố khắp vùng nhiệt đới và đặc biệt là loài bọ xít Orius insidiosus họ Hemiptera: Anthocoridae. Các loài ăn thịt khác như bọ rùa Curinus coeruleus (Coleoptera: Coccinellidae), rệp Rhinacoa forticornis (Hemiptera: Miridae), và bọ xít Paratriphleps laevisculus (Hemiptera: Anthocoridae).

Các loài ăn thịt và ký sinh khác được báo cáo nhiều ở châu Á như ong bắp cày Ceranisus menes (Hymenoptera: Eulophidae) là thiên địch rất có lợi tiêu diệt bọ trĩ và loài ong này đã được giới thiệu vào Florida (Hoa Kỳ). Các loài nấm ký sinh bao gồm Beauveria bassiana, Neozygites parvispora, Verticillium lecanii và Hirsutella sp.

Phòng trừ hóa học: Ở Việt Nam được khuyến cáo phun thuốc khi mật số bù lạch đạt tới ngưỡng kinh tế, tức là 5 con bù lạch/lá thứ nhất. Các loại thuốc phun trên lá thường được dùng để bù trừ bọ trĩ nhưng đôi khi khó có hiệu quả. Các cách xử lý trên lá và liều thuốc khác nhau đơn độc hoặc kết hợp với dầu đạt kết quả tốt. Không nên dùng thuốc hóa học nếu có sự hiện diện của thiên địch ăn thịt. Trứng, thường nằm trên các mô lá và nhộng trong đất là tương đối không bị ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc hóa học phòng trừ.

Các loại thuốc được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công bố được phép sử dụng trên dưa hấu/dưa khác như Abatimec 1.8 EC, 3.6 EC, Abamectin 0,45% + Imidacloprid 1.0%, abamix 1.45WP, Mospha 80EC, Oncol 20 EC, 25 WP, 5G, 3G, Carbosan 25 EC, Marshal 200 SC, 5G, 3G, Secure 10 EC, Binh – 58 40 EC, Tango 5SC, 800WG, Confidor 100 SL, Sherzol 205 EC, Voltage 50 EC…

TƯ VẤN KỸ THUẬT: 0969.64.73.79