KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHANH

hướng dẫn trồng chanh năng suất cao

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHANH

1. Chọn giống

Bước đầu tiên là chọn giống chanh có phẩm chất tốt, cây giống phải sạch bệnh, cây con đúng tuổi trồng, có khả năng cho năng suất cao và chất lượng tốt. Bên cạnh đó còn cần phải xem xét điều kiện canh tác vùng trồng của mình, nhằm để cây có thể thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt.

Chanh có thể trồng hạt hoặc bằng phương pháp chiết cành, giâm cành. Trồng bằng hạt thì cây con sẽ đồng đều cùng tuổi và dễ làm nhưng thời gian cho trái của cây sẽ lâu hơn, tỷ lệ hạt giống bị lai tạp khá cao và mang những đặc tính không như mong muốn sẽ khó phát hiện ở giai đoạn cây con.

Với phương pháp chiết cành và giâm cành sẽ đảm bảo thời gian thu hoạch sớm hơn, và cây con giữ được trọn vẹn những đặc tính của cây mẹ mà mình đã chọn.

2. Thời vụ trồng

Cây chanh khá dễ trồng và trồng được quanh năm, nhưng để trồng với quy mô lớn, với mục đích kinh doanh thì bà con nên trồng tập trung vào mùa mưa để tận dụng nước mưa, tiết kiệm được chi phí và công tưới nước.

3. Mật độ trồng

Cây cách cây từ 2,5 đến 3 m, hàng cách hàng từ 2,5 đến 4 m. Nếu vườn chỉ trồng thuần cây chanh mà không xen canh với các loại cây khác thì nên trồng với mật độ 2,5 – 2,5 m để tận dụng được không gian một cách hiệu quả.

4. Đất trồng

Phải xử lý đất trước khi trồng, cày xới và phơi ải để giảm những tàn dư của sâu bệnh, giúp đất được tơi xốp. Đối với chanh thì phải đào hố trồng trước ít nhất 1 tháng, hố đào có đường kính rộng 60 – 80 cm, độ sâu thì tùy theo chất đất.

Nếu đất đồi thì sâu 60 – 80 cm, làm mô cao 0,3 – 0,8 m, rộng 0,8 – 1 m, nếu là đất bằng phẳng thì phải có đê bao khép kín, hố sâu 30 – 40 cm, đất thấp thì đắp mô cao 0,5 – 0,6 m, rộng 0,8 – 1 m.

Trước khi trồng cần tưới nước cho đất đủ ẩm, và có chuẩn bị các kênh rạch cũng như hệ thống thoát nước tốt, nếu vùng đất thấp thì phải có đê bao khép kín.

5. Cách trồng

Những cây con đạt chuẩn để trồng thì cao từ 50 – 70 cm. Rạch bầu và đặt cây nghiêng như thế nào phải tùy vào cây con có nhiều nhánh hay ít, các nhánh phân bố trên cây có đều hay không.

Chúng ta sẽ đặt cây nghiêng về phía nhiều nhánh hơn và cho bên có ít nhánh quay lên, để kích chồi bên và tạo tán cho cây, nếu cây đã có tán tương đối đều rồi thì đặt cây thẳng.

Sau khi đặt cây thì cắm cọc để buộc thân cây cho gió khỏi lay ngã cây. Lấp đất ngang cổ rễ hoặc cao hơn 1 – 2 cm, tránh làm vỡ bầu hay lấp đất quá sâu. Chú ý là không để cây quá nghiêng, và khi lấp đất phải nện đất cho thật chắc để đảm bảo cây đứng vững.

Ở năm đầu nên trồng xen với một số loại cây trồng khác như cây đậu, cây rau,… để tăng hiệu quả sử dụng đất trong thời kỳ kiến thiết.

6. Bón phân

So với cây cùng họ như cam, bưởi thì chanh là loại cây nhạy cảm nhất với phân bón và các chất hóa học. Bà con không nên bón quá thừa, cây sẽ dễ bị ngộ độc và nên bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất phân bón mà bà con sử dụng.

Khi sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp cho đất ít bị cằn cỗi, đồng thời cây trồng có tuổi thọ cao hơn, giúp tăng độ màu mỡ của đất, giảm ô nhiễm môi trường.

* Bón lót: Sử dụng các loại phân bón hữu cơ để bón vào hố trước khi trồng từ
20 – 30 ngày. Bón khoảng 1,5 – 2 kg/hố tùy vào loại đất và tình hình đất trồng, sau đó tưới nước và lấp ít đất lại. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm trong thời gian từ khi bón lót đến khi trồng, vì thời gian này phân bón cần phải được phân giải cho đất tơi xốp, chuẩn bị dinh dưỡng để chúng ta trồng cây.

* Bón thúc: Kết hợp với việc bón thúc phân thì bà con phải làm sạch cỏ xung quanh và vun gốc. Do đặc điểm của cây chanh là thu rải rác trong năm, chứ không thu tập trung như cây cam và bưởi nên việc bón phân chia ra nhiều lần trong năm. Bón khoảng từ 4 – 5 lần/năm hoặc có thể chia thành nhiều lần hơn, trung bình 1 gốc bón khoảng 3 – 5 kg/năm, mỗi lần bón có thể là 0,5 – 1 kg/gốc.

Cứ mỗi năm bà con nên tăng lượng phân bón cho cây, nhưng không tăng một cách đột ngột sẽ dễ làm cây bị ngộ độc, mà nên tăng dần trong những lần bón. Tùy vào tình trạng năng suất mỗi vụ của cây mà bà con điều chỉnh lượng phân bón sao cho phù hợp, không gây lãng phí hay để thiếu phân.

hướng dẫn trồng chanh năng suất cao
Bón phân hữu cơ giúp cây chanh đạt năng suất cao, phòng chống sâu bệnh hại hiệu quả  Nguồn:http://www.webtretho.com

7. Làm cỏ và tưới nước

* Làm cỏ: Vì cây chanh rất nhạy cảm với các chất hóa học, nên bà con cần sử dụng các biện pháp thủ công để làm cỏ như dùng liềm cắt, hay dùng tay nhổ cỏ, nếu cỏ cao thì có thể dùng máy cắt cỏ.

* Tưới nước: Cây chanh là loại cây mọng nước nên nước tưới rất quan trọng, cần phải tưới đẫm để giữ đất ẩm thường xuyên. Tuy nhiên nó cũng rất sợ ngập úng, bà con nên cần bố trí các hệ thống thoát nước tốt để đảm bảo cây không bị ngập vào mùa mưa.

8. Tỉa cành tạo tán

Đây là công việc cần được thực hiện thường xuyên trong quá trình trồng. Để cây được thông thoáng, quang hợp tốt sẽ cho năng suất chất lượng nông sản cao, đồng thời hạn chế tạo môi trường cho sâu bệnh hại tấn công.

Tỉa cành tạo tán cây sao cho cây có thể nhận được ánh sáng cả ở trong tán. Những cành khô, cành yếu hay mọc trong tán, làm cây quá um tùm, hoặc những chồi non phát triển quá nhiều, làm cây không thể tập trung nuôi những cành chủ yếu mang trái thì nên cắt bỏ.

Dùng kéo cắt cành hoặc cưa cắt cành sạch để tỉa cành, nên cắt sát vào thân chứ không chừa dư ra quá dài.

TƯ VẤN KỸ THUẬT: 0969.64.73.79