BIỆN PHÁP CHĂM SÓC VÀ KỸ THUẬT VUỐT TAI CÂY THANH LONG ĐÚNG CÁCH VỤ NGHỊCH
Những năm gần đây nhiều bà con nông dân ở xã Cư Êbur thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là tại khu vực thôn 2 đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây thanh long.
Do thanh long là cây trồng chịu hạn tốt, nên phù hợp phát triển cho điều kiện mùa khô Tây Nguyên, theo nhiều nông hộ có kinh nghiệm trồng thanh long trên mười năm thì ngoài thời điểm mùa mưa là chính vụ bà con đã học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc thanh long từ các tỉnh Long An, Bình Thuận nên đã chăm sóc để thanh long ra trái vụ nhằm nâng cao giá bán.
Đồng thời bà con trồng thanh long tại xã Cư Êbur cũng tìm hiểu thêm các biện pháp kỹ thuật vuốt tai cho thanh long, nhờ đó chất lượng quả thanh long Đắk Lắk ngày được nâng lên, vỏ quả dày, đỏ đẹp, tai quả xanh, cứng, phù hợp với việc vận chuyển đường dài và thời gian bảo quản được lâu hơn.
Nhờ chủ động tìm hiểu các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nên nhiều vườn thanh long đã đem lại nguồn kinh tế khá cho nông hộ, giúp bà con xã Cư Êbur phát triển kinh tế gia đình.
Nếu như trước đây, việc thắp điện để sản xuất thanh long vụ nghịch thường được bà con thắp đèn sợi đốt thì 2 năm lại đây bà con đã chủ động chuyển sang dùng đèn compact để tiết kiệm điện năng mà vẫn đem lại hiệu quả sản xuất như mong muốn.
Thắp đèn Compact cho thanh long để kích thích cây ra hoa nghịch vụ
Là một trong những hộ đưa đèn compact tiết kiệm điện vào sản xuất thanh long trái vụ, ông Trần Trọng Khánh ở thôn 2, xã Cư Êbur cho biết về đầu tư đèn tiết kiệm để để sản xuất thanh long cho mùa nắng giúp giảm tiêu hao điện năng, nhờ đó gia đình ông Khánh tiết kiệm được chi phí sử dụng điện, cải thiện thu nhập cho gia đình
Ông Trần Trọng Khánh chia sẻ thêm về những kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long. Cây thanh long không khó trồng nhưng đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật để có được năng suất cũng như phẩm chất trái ngon, đẹp. Hơn 10 năm trồng thanh long, vừa trồng vừa tìm hiểu tham khảo kỹ thuật trồng ở nhiều nơi ông Khánh đã áp dụng theo nhằm giúp vườn thanh long phát triển tốt.
Cây thanh long ưa ánh sáng nên cần tạo cho vườn cây độ thông thoáng, khoảng cách các cây trong vườn cây cách cây hàng cách hàng là 3mx3m. Một trong những kinh nghiệm của gia đình ông Khánh đó là trồng thanh long bằng trụ bê tông cao 1,6m đến 1,8m vừa giảm chi phí đầu tư vừa giúp giàn thanh long mau vươn lên đầu trụ, việc chăm sóc và thu hoạch cũng trở nên dễ dàng hơn.
Mỗi trụ nên cách nhau 3m, trụ bê tông nên cao từ 1,6 – 1,8m
Với thanh long nghịch vụ ông Khánh cho rằng nếu không nắm bắt đúng thời điểm thắp đèn và khí hậu không thuận lợi thì sẽ không kích được thanh long ra hoa, đậu trái ảnh hưởng đến năng suất về sau. Bên cạnh đó người trồng thanh long cũng cần có chế độ bón phân hợp lý để cây nuôi trái.
Theo kinh nghiệm của gia đình ông Khánh, lượng phân bón cho cây thanh long cần căn cứ vào loại đất, tính chất đất và năng suất vụ trước để đáp ứng nhu cầu của cây. Do quá trình khai thác cây thanh long diễn ra quanh năm nên cây cũng mất đi nhiều dinh dưỡng nuôi trái, vì vậy bên cạnh việc bổ xung phân bón hóa học với đầy đủ yếu tố trung vi lượng thì việc bổ sung phân hữu cơ là rất cần thiết.
Lượng phân hữu cơ bón cho cây thanh long chu kỳ kinh doanh từ năm thứ 3 trở đi sẽ tăng dần theo từng năm, một năm bốn từ 40kg trở lên chia làm nhiều lần bón nếu sử dụng phân chuồng bà con cần ủ hoai rồi mới tiến hành bón.
Nên bón nhiều phân chuồng hoai mục cho thanh long
Các cành của cây thanh long đều có khả năng mang trái do vậy việc tỉa cành để tạo bộ tán tròn phân bố đều quanh trụ rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng quả thanh long. Với thanh long bước vào chu kỳ kinh doanh, bà con cần tỉa một số cành phía trong thiếu ánh sáng, những cành già, tỉa theo nguyên tắc một cành mẹ để lại hai cành con.
Các cành được chọn để lại phải là các cành to, khỏe, không bị sâu bệnh. Thường xuyên tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành tai chuột, cành đã cho quả 2-3 năm, cành nằm khuất trong tán hoặc các cành mọc dài tránh không để cành troài lên mặt đất, ảnh hưởng đến quá trình bón phân, ảnh hưởng chất lượng quả và dễ nhiễm sâu bệnh.
Thường xuyên tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành tai chuột, cành đã cho quả 2-3 năm
Một kỹ thuật nữa được gia đình ông Khánh tìm hiểu và áp dụng trong thời gian gần đây đó là kỹ thuật vuốt tai cho trái thanh long. Thông thường thời điểm vuốt tai cho thanh long thường được thực hiện khi thanh long chuẩn bị thu hoạch, vỏ trái có biểu hiện chuyển sang màu chín 7 – 10 ngày trước khi thu hoạch, bà con thực hiện vuốt từ giữa tai ra đến hết tai trái thanh long, không để thuốc dính vào trái.
Mục đích của việc làm này nhằm giúp tai trái thanh long xanh, cứng, bảo đảm mẫu mã trái đẹp đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc vuốt tai đúng thời điểm giúp nâng cao phẩm chất trái nên bà con cần áp dụng đúng thời điểm và loại thuốc được cơ quan chức năng khuyến cáo, cấp phép, tránh tồn dư thuốc hóa học trên sản phẩm nông sản.
Vuốt tai cho thanh long, giúp trái có mẫu mã đẹp
Cũng như nhiều loại cây trồng khác, cây thanh long cũng có nhiều loại sâu hại làm ảnh hưởng đến năng suất vườn cây, trong đó nhiều nhà vườn trồng thanh long lo ngại nhất là bệnh thán thư, nấm tắc kè, ruồi đục trái. Thời điểm nắng nóng bệnh ít lây lan và phát triển và mùa mưa thì ngược lại, nấm lây lan trong gió, nước… phát tán từ cây này qua cây khác do đó bà con cần thường xuyên thăm vườn, quan sát biểu hiện vườn cây và có chế độ phòng trừ hợp lý nhằm bảo vệ năng suất.
Cây thanh long hiện đang là một trong những cây trồng giúp nhiều nông hộ tại một số vùng trồng của tỉnh Đắk Lắk cải thiện nguồn thu nhập trồng thanh long không khó nhưng phải nắm bắt được một số đặc tính cũng như kỹ thuật chăm sóc, nhất là với thanh long vụ nghịch nhằm mang đến hiệu quả như mong muốn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà nông
ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ:
0969.64.73.79 – 0838.25.6565